Mô hình trang trại chăn nuôi dê hiệu quả siêu lời

Mô hình trang trại chăn nuôi dê là một trong những xu hướng phát triển kinh tế và làm giàu mới đối với các nông dân ở các địa bàn khó khăn. Tùy vào khả năng kinh tế và nhu cầu thực tiễn mà mỗi nông hộ xây dựng các mô hình chăn nuôi dê riêng như nuôi dê lấy sữa, nuôi dê thịt, cung ứng dê giống…Để lập các trang trại chăn nuôi dê cần chú ý những kỹ thuật nào vẫn là những câu hỏi khó đối với bà con nông dân. Hãy cùng tham khảo các yếu tố cần thiết để xây dựng một mô hình trang trại nuôi dê hoàn hảo qua bài viết dưới đây nhé!

Trang trại chăn nuôi dê là một trong những xu hướng làm giàu mới của các nông hộ
Trang trại chăn nuôi dê là một trong những xu hướng làm giàu mới của các nông hộ

1. Dự trù kinh phí

Chi phí nuôi dê thường không cố định mà sẽ thay đổi tùy thuộc vào khu vực và thời gian cũng như nguồn lợi nhuận mà bạn thu được từ công việc kinh doanh các mô hình chăn nuôi dê. Việc xác định chính xác chi phí khi lập trang trại chăn nuôi dê cũng như lợi nhuận thu được sẽ giúp bạn hạn chế những rủi ro trong kinh doanh. Để dự trù chính xác nhất khoản kinh phí đầu tư cho mô hình chăn nuôi dê, bạn cần chủ động cập nhật các thông tin mới nhất liên quan đến các hướng dẫn về chăn nuôi dê. Trao đổi nhiều với các nông hộ có kinh nghiệm chăn nuôi dê là một trong những cách giúp bạn có câu trả lời về dự trù kinh phí chính xác nhất đối với quyết định đầu tư của mình.

2. Kỹ thuật chọn dê giống 

Chọn dê giống được xem là một trong những kỹ thuật quan trọng khi lập trang trại chăn nuôi dê để mô hình kinh doanh mang lại hiệu quả cao nhất.

Đối với dê cái giống: Cần chọn những con dê cái hiền lành có đầu rộng, dài với vẻ mặt linh hoạt. Cổ dê mềm mại và cơ chắc chắn. Lưng thẳng, sườn tròn, có một hõm phía trước xương chậu cho thấy khả năng tiêu hóa của vật nuôi tốt. Núm vú to dài và nằm vững trên bầu vú.

Đối với dê đực giống: Cần chọn những con dê đực khỏe mạnh, có khả năng phối giống. Đầu dê đực giống ngắn, rộng, tai dài, dày, to và cụp xuống. Thân hình cân đối với ngực nở nang, tứ chi cứng cáp, khỏe mạnh. Hai tinh hoàn to đều và có phẩm chất tinh dịch tốt.

3. Các phương pháp chăn nuôi dê phổ biến hiện nay

3.1 Nuôi thâm canh

Đây là hình thức nuôi nhốt hoàn toàn trong các mô hình trang trại dê lớn với chế độ dinh dưỡng được cung cấp đầy đủ theo từng giai đoạn. Mô hình nuôi thâm canh thích hợp ở những khu vực không có điều kiện chăn thả và phù hợp với các mục đích chăn nuôi lấy sữa, thịt. Do dê được nuôi với quy trình chăm sóc nghiêm ngặt khép kín nên khả năng sinh trưởng và tiết sữa cao. Tuy nhiên mô hình chăn nuôi này đòi hỏi nhiều công sức cho các khâu chăm sóc và quản lý vật nuôi.

Nuôi thâm canh đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc và quản lý dê
Nuôi thâm canh đòi hỏi nhiều công sức chăm sóc và quản lý dê

3.2 Nuôi quảng canh

Nuôi quảng canh là hình thức chăn thả dê trên đồng cỏ hoặc trong rừng cây với nguồn thức ăn do vật nuôi tự tìm kiếm. Hình thức này thường được ứng dụng phổ biến với mô hình nuôi dê lấy thịt, dê lai. Nhờ chăn thả tự do nên mô hình chăn nuôi này không tốn chi phí thức ăn, công chăm sóc vật nuôi và chi phí xây dựng chuồng trại không đáng kể. Tuy nhiên, những con dê được nuôi quảng canh khả năng nhiễm bệnh thường cao hơn và cho năng suất thấp hơn so với hình thức nuôi thâm canh.

Nuôi quảng canh giúp tiết kiệm chi phí cho nông hộ
Nuôi quảng canh giúp tiết kiệm chi phí cho nông hộ

3.3 Nuôi bán thâm canh

Đây là hình thức nuôi kết hợp nhốt trong chuồng và chăn thả ở khu vực gần chuồng nuôi. Hình thức chăn nuôi này khá phổ biến ở nước ta. Với sự kết hợp giữa hai hình thức nuôi quảng canh và thâm canh nên đàn dê vừa được chăm sóc tốt và vừa được vận động nên chất lượng thịt săn chắc với hàm lượng dinh dưỡng cao.

Nuôi bán thâm canh giúp vật nuôi vừa được chăm sóc tốt, vừa được vận động
Nuôi bán thâm canh giúp vật nuôi vừa được chăm sóc tốt, vừa được vận động

3.4 Mô hình SALT – 2 

Mô hình chăn nuôi này được hình thành bởi Trung tâm phát triển Nông thôn Mindanao ở Philippin. Đây là mô hình chăn nuôi kết hợp với trồng trọt trên đất dốc với diện tích khoảng ¾ ha và được bố trí khá khoa học như sau:

  • 20% diện tích đỉnh đồi được dùng để trồng cây lâm nghiệp lâu năm.
  • 40% diện tích giữa đồi trồng cây nông nghiệp và chuồng nuôi được xây dựng tại vị trí trung tâm của khu vực này.
  • 40% diện tích chân đồi trồng các loại cây lương thực nhằm cung cấp thức ăn đa dạng cho vật nuôi.

4. Nguyên tắc xây dựng chuồng dê

4.1 Chọn lựa vị trí

Chuồng dê cần được xây dựng ở vị trí cao ráo và thoáng mát với độ cao cách mặt đất từ 60-80cm. Nên xây chuồng ở vị trí có bóng cây to để hạn chế cái nóng của những ngày hè oi bức. Chuồng cần xây ở khu đất rộng rãi để có thể thiết kế thêm sân chơi cho dê vận động cũng như có đủ không gian để chăm sóc, phối giống, phòng trị bệnh cho vật nuôi…Ngoài ra, chuồng dê cần được xây dựng cách xa khu dân cư và các nguồn nước sinh hoạt để giảm thiểu mức độ gây ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi.

Xây dựng chuồng dê ở vị trí cao ráo, thoáng mát
Xây dựng chuồng dê ở vị trí cao ráo, thoáng mát

4.2 Hướng chuồng

Hướng phù hợp nhất để làm chuồng nuôi dê là hướng Đông Nam. Đây là hướng giúp vật nuôi tránh nắng vào mùa hè và tránh gió vào mùa Đông. Làm chuồng hướng Đông Nam sẽ giúp vật nuôi nhận được nhiều tia nắng sớm vào buổi sáng, giúp dê tăng trưởng tốt, tiêu hóa khỏe và lớn nhanh. Các tia nắng cũng giúp diệt khuẩn chuồng trại, đem lại môi trường sống thông thoáng cho đàn dê.

4.3 Nguyên vật liệu xây dựng chuồng

Đối với quy mô chăn nuôi nhỏ, bà con có thể sử dụng các nguyên vật liệu đơn giản và truyền thống để làm chuồng như tre, lá tranh, thân cây dừa…Đối với quy mô chăn nuôi lớn hơn thì chuồng nuôi cần phải xây dựng bằng gạch, bê tông, gỗ… để tạo độ chắc chắn, đảm bảo sức chứa và tăng khả năng chịu lực.

4.4 Cách làm

Thông thường chuồng nuôi dê được thiết kế làm 3 ngăn chuồng để tiết kiệm diện tích và hỗ trợ công tác quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi:

  • Ngăn thứ 1 nuôi dê hậu bị hoặc dê hướng thịt
  • Ngăn thứ 2 nuôi dê sinh sản hoặc dê cái đang nuôi con
  • Ngăn thứ 3 nuôi dê đực giống.

Ở mỗi ngăn cần được cung cấp đầy đủ máng ăn, máng uống. Nhằm tránh hiện tượng đánh nhau ở dê đực giống hoặc giảm mùi hôi khi phối giống có thể thực hiện ngăn cách riêng biệt ô chuồng nuôi ở phần đầu hoặc cuối.

4.5 Diện tích

Tùy vào đặc tính và giai đoạn phát triển của vật nuôi mà mật độ, diện tích chuồng cũng khác nhau:

Phân loại dê    Nuôi nhốt chung (m2/con)       Nuôi nhốt cá thể (m2/con)   
Dê cái sinh sản 1,0 – 1,2 0,8 – 1,0
Dê đực giống 1,2 – 1,4 1,0 – 1,2
Dê con dưới 6 tháng tuổi 0,4 – 0,6  0,3 – 0,5
Dê  con từ 7 – 12 tháng tuổi, dê nuôi lấy thịt 0,8 – 1,0 0,6 – 0,8

5. Kỹ thuật xây dựng chuồng dê

5.1 Khung chuồng

Khung chuồng thường được làm từ vật liệu tre hoặc gỗ kiên cố. Để chống mối mọt và ẩm mốc do thời tiết gây ra, phần chân trụ của khung chuồng có thể trát xi măng với chiều cao đến 70cm. 

5.2 Mái chuồng

Mái chuồng thường được lợp bằng lá dừa, lá tranh, cọ hoặc xi măng. Với mục đích tránh gió lùa và tạo độ thông thoáng thì mái chuồng nên được thiết kế ở độ cao vừa phải. Ngoài ra, mái chuồng nên nhô ra ngoài thành chuồng khoảng 60cm để che mưa, che nắng cho vật nuôi.

5.3 Thành chuồng (các trụ)

Thành chuồng cần được thiết kế chắc chắn với độ cao từ 1,2 – 1,8m để ngăn cách không gian trong và ngoài chuồng một cách rõ rệt. Ngoài các vật liệu truyền thống như tre, gỗ…thành chuồng có thể được vây quanh bởi lưới sắt B40. Tuy nhiên, cần đảm bảo khoảng cách giữa các nan không quá 10cm để vật nuôi không chui qua được.

5.4 Cửa chuồng

Khi làm cửa chuồng cần đo chính xác độ rộng cửa sao cho phù hợp với kích thước trưởng thành của dê và đảm bảo dê cái mang thai có thể đi lại thoải mái. Chiều cao của cửa thường không quá 1,2m và chiều rộng không quá 80cm. 

5.5 Nền chuồng

Nền chuồng thường được láng xi măng phẳng và có độ dốc nhẹ để thoát các chất thải của vật nuôi về hướng cống. 

5.6 Sàn chuồng

Sàn chuồng thường được đóng bởi những thanh gỗ phẳng hoặc tre với khoảng cách khe hở từ 1 -1,5cm để đủ lọt chất thải từ vật nuôi nhưng đảm bảo chân dê không lọt được. Sàn nên được làm cách nền bên dưới từ 50-70cm.

 

Sàn chuồng được thiết kế bằng gỗ phẳng
Sàn chuồng được thiết kế bằng gỗ phẳng

5.7 Máng thức ăn, nước uống

Máng thức ăn cho vật nuôi được đóng bằng tre, gỗ hoặc nhựa với kích thước 30 x 15 x 10 (cm) đối với máng thức ăn tinh và 30 x 50 x 25cm đối với máng thức ăn thô xanh. Máng thức ăn tinh nên treo bên trong thành chuồng với độ cao từ 50-60cm để thuận tiện cho việc cung cấp thức ăn và dọn dẹp. Trong khi đó, máng thức ăn thô xanh nên treo bên ngoài thành chuồng ở độ cao từ 40-60cm với một cái lỗ đủ rộng để vật nuôi thò đầu ra lấy thức ăn.

Máng uống nước có thể làm bằng sứ hoặc xi măng, đặt bên ngoài sân chơi hoặc treo với độ cao trên 50cm để dê không dẫm phải. 

 

Máng thức ăn cho dê được thiết kế ở độ cao khoảng 50cm
Máng thức ăn cho dê được thiết kế ở độ cao khoảng 50cm

5.8 Củi lồng nhốt riêng

Với mục đích để nuôi nhốt dê giống, dê con theo mẹ hoặc dê nuôi lấy thịt nên cũi phải được thiết kế với kích thước phù hợp. Cũi cần làm đơn giản, gọn gàng và phải có đủ không gian để có thể nuôi nhốt được khoảng 3 dê con.

5.9 Sân chơi

Sân chơi thích hợp với các mô hình chăn nuôi dê phối giống và sinh sản. Sân được xây dựng trước của chuồng với kích thước phù hợp với mật độ từ 2 – 5m2/con. Xung quanh sân chơi nên làm hàng rào bảo vệ để bảo vệ đàn dê từ các vấn đề trộm cắp, chó, rắn…

6. Chăm sóc dê

6.1 Khử sừng dê non

Khi dê non dưới 3 tháng tuổi thì nên thực hiện khử sừng. Lúc này sừng mới nhú lên nên việc khử sừng ít gây biến chứng nên không gây tổn hại nhiều đến sức khỏe dê con.

6.2 Thiến dê đực

Đối với các dê đực non không giữ lại làm giống thì nên thiến trước 10 tuần tuổi bằng dao hay kìm thiến Burdizzo. Đối với những dê đực giống trước khi đưa vào vỗ béo cũng nên thiến để tăng chất lượng thịt.

6.3 Phối giống dê cái

Phối giống dê cái lần đầu được thực hiện khi dê đạt 7-9 tháng tuổi với trọng lượng khoảng 20kg. Đối với dê cái đang sinh sản, quá trình phối giống thường được thực hiện sau 2 tháng đẻ. Đối với dê đực và dê cái có quan hệ cận huyết thống thì không nên phối giống với nhau.

6.4 Vắt sữa

Sữa dê nên được vắt sau 2 tuần kể từ khi dê sinh con và thực hiện vắt sữa liên tục khoảng 10 tháng với cường độ 2 lần một ngày. Vắt sữa dê có thể được thực hiện bằng tay hoặc máy đã được vệ sinh và khử trùng sạch sẽ. Thời gian vắt sữa lần đầu tiên cho mỗi con dê có thể kéo dài trung bình 15 phút. Sau vài tuần, thời gian vắt sữa trung bình của mỗi con dê có thể được thực hiện trong vòng 5 phút.

Vắt sữa dê được thực hiện bằng tay đã được khử khuẩn
Vắt sữa dê được thực hiện bằng tay đã được khử khuẩn

7. Các bệnh thường gặp

Nhận biết được các bệnh thường gặp ở dê sau đây sẽ giúp bà con biết cách phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả cho vật nuôi:

  • Bệnh ỉa chảy do vi trùng hoặc thức ăn bẩn, mất vệ sinh.
  • Bệnh chướng bụng đầy hơi do thức ăn ôi thiu hoặc chứa nhiều đạm. Dê có biểu hiện khó thở với thành bụng bên trái chướng và căng to.
  • Bệnh loét miệng truyền nhiễm có thể gây nên do thức ăn già, cứng gây trầy xước miệng vật nuôi và dẫn đến nhiễm khuẩn.
  • Bệnh viêm vú ở dê có thể do vệ sinh bầu vú không sạch hoặc vắt sữa không đúng kỹ thuật, sử dụng chung dụng cụ vắt sữa.
  • Bệnh giun sán có thể do môi trường ở, ăn uống không sạch sẽ. Vật nuôi gầy, biếng ăn, có thể bị tích nước ở hàm dưới và bụng.
  • Bệnh sốt sữa do sự thiếu hụt canxi và phốt pho trong thời gian dài.
  • Bệnh viêm phổi hay xảy ra vào thời điểm giao mùa do sự thay đổi điều kiện thời tiết đột ngột. Với những vật nuôi có sức đề kháng kém thì tỉ lệ mắc bệnh này cao hơn.

8. Tư vấn xây dựng mô hình trang trại nuôi dê áp dụng Công Nghệ Kỹ Thuật

Xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi dê áp dụng Công Nghệ Kỹ Thuật không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần thúc đẩy chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững. Công ty Maxi & Mina tự hào là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam chuyên cung cấp các giải pháp thiết kế, tư vấn và xây dựng các mô hình trang trại chăn nuôi chất lượng, được các chuyên gia đánh giá cao. Với mong muốn đem lại sự trải nghiệm cho Quý khách hàng về các trang trại hiện đại, Maxi & Mina luôn nỗ lực đem đến cho Quý khách hàng những sản phẩm, dịch vụ hoàn hảo với giá cả cạnh tranh nhất.

Chúng tôi hy vọng những chia sẻ trên đây giúp bà con có thêm những kinh nghiệm quý báu để xây dựng các trang trại chăn nuôi dê hiệu quả, đáp ứng mục tiêu kinh doanh của mình. Nếu bạn cần tư vấn, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi theo thông tin sau:

  • Công ty TNHH thiết bị chăn nuôi Maxi & Mina
  • Địa chỉ: Số 6 đường D5, khu biệt thự Thạnh Xuân, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh.

Xem thêm: Chăn nuôi trang trại giải pháp phát triển bền vững

Xem thêm: Các mô hình trang trại chăn nuôi làm giàu bền vững

Xem thêm: Mẫu đơn xin làm trang trại chăn nuôi mới nhất hiện nay

Trả lời