So với mô hình nuôi bò hộ gia đình thì mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt là xu hướng mới đang được rất nhiều bà con quan tâm và tìm hiểu. Vậy khi bắt đầu lên kế hoạch xây dựng mô hình nuôi bò thịt, bà con cần lưu ý những thông tin gì để chuồng bò, chuồng trại sinh sản và cho chất lượng thịt tốt nhất? Mời bà con theo dõi những chia sẻ thú vị mà Maxi&Mina chia sẻ trong bài viết ngay sau đây.
1. Dự trù kinh tế
Dự trù kinh tế xây dựng trang trại chăn nuôi bò thịt là một trong những điều quan trọng đầu tiên bà con không thể bỏ qua. Trước tiên, bà con cần tinh toán đến các chi phí cần cho dự án của mình bao gồm chi phí mua con giống, chi phí xây dựng chuồng trại, thiết bị hỗ trợ, thức ăn chăn nuôi, thú y, kinh phí dự trù phát sinh… Tùy thuộc vào quy mô trang trại lớn hay nhỏ mà bà con cần nguồn vốn nuôi bò khác nhau. Việc dự trù kinh tế này giúp bà con đưa ra được số vốn tối thiểu cần có để đảm bảo việc xây dựng chuồng trại được thực hiện.

2. Xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò thịt
2.1. Xác định vị trí
Quỹ đất để làm chuồng trại chăn nuôi bò thịt cần phải rộng rãi để đủ diện tích phân khu khác nhau. Trước tiên về đặc điểm đất làm chuồng phải liền mảnh, bằng phẳng, độ dốc không quá 15%. Bà con nên phân chia thành nhiều chuồng trại để tiện lợi cho việc chăm sóc.

Tiếp theo là đến khu đất để trồng cỏ cần phải màu mỡ. Như bà con đã biết, đối với các loại gia súc như trâu, bỏ thì cỏ là nguồn thức ăn không thể thay thế. Nếu có thể bố trí đất trồng cỏ sẽ tiết kiệm đáng kể được chi phí chăn nuôi cho bà con. Ngoài chuồng nuôi, đồng cỏ thì nhà kho và văn phòng là khu vực không thể thiếu. Đất xây văn phòng phải nằm ở vùng đất bằng phẳng, trung tâm để thuận tiện cho công việc chăm sóc bò.
2.2. Thiết kế chuồng trại nuôi nhốt
Việc tham khảo trước các mẫu chuồng bò ở khu vực lân cận là điều cần thiết khi bà con chưa có kinh nghiệm trong việc thiết kế chuồng nuôi. Chuồng nuôi không nên quá trơn hoặc có vật sắc nhọn, tránh gây tổn thương cho bò. Theo chia sẻ của các chuyên gia nông nghiệp, cách xây dựng chuồng nuôi bò thịt phổ biến là thiết kế theo 2 dãy có hành lang ở giữa đi lại. Thanh chắn giữa chuồng bên trong và đường đi ở giữa nên dùng thanh ngang song song hoặc nghiêng góc 60 độ so với nền. Máng ăn cho bò nên đặt ngay bên ngoài hành lang, xây thấp để bò dễ dàng lấy thức ăn.
3. Chọn bò giống
Trong kỹ thuật nuôi bò thịt, khâu chọn bò giống rất quan trọng. Bà con cần chọn giống bò sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu, tăng trưởng cho năng suất và sản lượng tốt. Bà con có thể tham khảo các mô hình trang trại chăn nuôi bò thịt của các địa phương có khí hậu tương tự để có thêm kinh nghiệm.
Giống bò vàng truyền thống
Giống bò vàng truyền thống được nuôi rộng rãi tại các tỉnh thành trên cả nước. Giống bò này có lông màu vàng nhạt cánh gián, khối lượng cơ thể với cá thể trưởng thành ở con cái từ 160 – 180 kg; con đực từ 230 – 250 kg. Bò có khả năng sinh trưởng tốt, khả năng thích nghi với các điều kiện khí hậu cực tốt. Tuy nhiên, sản lượng thịt không cao bằng các giống bò lai.
Giống bò lai Sind
Bò lai Sind được tạo ra khi lai bò đực nhóm Zebu với bò vàng truyền thống Việt Nam. Giống bò này có tai cụp, mặt dài, thân cao, mình dài, lông có màu vàng cánh gián, tỷ lệ thịt cao, sức kéo tốt. Trọng lượng trung bình của bò đực trưởng thành khoảng 400 – 450 kg/ con, bò cái từ 250 – 300 kg/ con. So với giống bò thịt truyền thống, bò lai Sind cho năng suất cao hơn nhiều nên được nhiều chủ trang trại lựa chọn.

Bò giống Red Sindh
Bò đỏ Sindh là giống bò có nguồn gốc ở Pakistan, kích thước nhỏ, mông tròn, cơ bắp nổi rõ, có u yếm phát triển, lông màu cánh gián, có màu tối ở cổ, lưng và u vai. Trọng lượng cơ thể con đực trưởng thành khoảng 370 – 450 kg/ con, con cái từ 300 – 350 kg/con. Đây cũng là giống bò cho sản lượng thịt cao không kém bò lai Sind. Bà con có thể tham khảo giống bò này cho trang trại của mình.
Bò giống Sahiwal
Đây là giống thuộc thân hình cân đối, da mềm, lông có màu cánh gián, con đực trưởng thành có trọng lượng khoảng 470 – 520 kg/ con, con cái từ 32 – 370 kg/ con
Bò giống Brahman
Brahman là một giống bò Mỹ, chúng có khả năng thích nghi với nhiều điều kiện môi trường sống khác nhau. Giống bò này có màu lông phổ biến là trắng xám và đỏ, thân hình chắc khỏe, cơ bắp phát triển, u cao, tai to và cụp xuống. Thịt bò Brahman săn chắc và thơm ngon. Có thể nói, đây là loại bò cao sản, cho năng suất cao vượt trội so với các giống bò khác, là loại bò thịt tốt nhất thị trường hiện nay.
4. Xác định yếu tố dinh dưỡng
Thức ăn thô chủ yếu cho bò thịt là cỏ tự nhiên và phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch. Với mô hình chăn nuôi trang trại lớn, bà con nên trồng cánh đồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Nếu nuôi theo hình thức nhốt thì cỏ thâm canh sẽ được thu cắt và cấp tại chuồng nuôi. Tuy nhiên, điều này lại làm tăng chi phí nhân công cắt cỏ bò.
Nếu nuôi theo hình thức chăn thả thì bà con sẽ tiết kiệm được nhiều chi phí hơn. Tuy nhiên, phương thức này cần phải bổ sung thêm thức ăn tại chuồng để đảm bảo nguồn dinh dưỡng cho bò phát triển. Lưu ý, nếu chăn thả, bà còn cần có biện pháp quản lý tốt đàn bò để tránh mất, sự cố…

Thức ăn cho bò thịt không yêu cầu hàm lượng protein cao như bò sữa. Trung bình 13-14% protein thô là đủ. Ngoài lượng đạm, chất xơ, bà con cần bổ sung cho bò khoáng chất đầy đủ. Các loại khoáng trong thức ăn thông thường còn thiếu thường là Ca, P, Cu, Zn, Mn, Fe và S. Bà con có thể mua các chế phẩm sinh học bổ sung khoáng để trộn vào thức ăn cho bò cũng được.
Lượng thức ăn cung cấp cho bò cần đảm bảo:
- Đầy đủ các chất dinh dưỡng
- Khối lượng vừa đủ ăn cho mỗi con, tránh dư thừa quá nhiều.
- Dạng vật lí của thức ăn phải phù hợp với động vật nhai lại.
- Tỷ lệ tinh thô hợp lý.
- Không chứa các thành phần có hại cho sức khỏe của bò.
- Giá thành ở mức vừa phải, nên tận dụng nguồn thức ăn chủ yếu từ đồng cỏ để tiết kiệm chi phí.
5. Đầu tư trang thiết bị
Tại khu vực chuồng nuôi, bà con nên bố trí máng ăn dọc theo hai lối đi, vị trí thấp để bò có thể dễ dàng lấy thức ăn. Cần phải xây dựng hệ thống xử lý chất thải, cấp thoát nước để khu vực chuồng nuôi được thông thoáng, sạch sẽ, không ảnh hưởng đến sức khỏe của bò.

6. Chăm sóc bò nuôi nhốt
Đối với bê từ sơ sinh đến 4-5 tháng tuổi:
Bê khi mới sinh ra phải được lau khô, bóc móng, cắt rốn và cho bú sữa đầu. Giai đoạn này nên cho bê sử dụng hoàn toàn sữa mẹ. Với bò mẹ, bà con nên cho bò ăn nhiều loại thức ăn khác nhau, đảm bảo cho bê con có đủ nguồn dinh dưỡng để phát triển
Bê từ 3-4 tuần tuổi trở đi thì nên cho bê làm quen dần với các loại thức ăn, để kích thích đường ruột, hệ tiêu hóa phát triển tốt. Chú ý, vệ sinh chuồng nuôi, tiêm phòng đầy đủ và tẩy giun định kỳ cho bê.
Đối với bò trong giai đoạn từ 6-18 tháng.
Bê sau 4-5 tháng tuổi là bà con có thể tiến hành cai sữa. Đây là giai đoạn chuyển đổi chế độ nuôi dưỡng từ sữa mẹ sang thức ăn thô nên cần cung cấp chế độ ăn đầy đủ cho bê con. Ngoài việc chăn thả, có thể sử dụng các nguồn thức ăn khác như rơm, vỏ khoai mỳ, rỉ mật, cám cho bò trong giai đoạn 4-8 tháng và mang thai 3 tháng cuối. Vào khoảng 12–13 tháng tuổi, bò tơ bắt đầu động dục. Tuy nhiên, bà con nên phối giống khi bò được 14 tháng tuổi, trọng lượng cơ thể khoảng 220kg trở lên.
Chăm sóc nuôi dưỡng bò cái.
Bò cái cần có khẩu phần ăn phù hợp với trọng lượng và giai đoạn sinh lý như mang thai, nuôi con. Chú ý, bổ sung thức ăn tinh cho bò mẹ trong giai đoạn 3-4 tháng cuối thai kỳ nuôi bê con. Đồng thời, theo dõi động dục lại sau sinh của bò mẹ để phối giống đúng chu kỳ cho bò. Bà con nên ghi lại ngày phối giống và ngày dự kiến bò đẻ để có cách chăm sóc tốt nhất.

Chăm sóc nuôi dưỡng bò đực giống.
Bò đực phải 2 năm tuổi mới đưa vào phối giống. Thời gian đầu, tuần suất phối giống bò nên là 1 lần/tuần, sau đó tăng lên 4 lần/tuần. Không nên cho bò phối giống nhiều lần trong ngày, bởi chất lượng tinh trùng tốt nhất chính là vào buổi sáng.
Bò đực nên nuôi bằng cỏ hoặc rơm là tốt nhất, hạn chế cho bò ăn nhiều các loại cám công nghiệp, bởi sẽ ảnh hưởng đến khả năng phối giống của bò. Những ngày bò đực phối giống nên bổ sung thêm 2-3 kg cám.
Chú ý luân chuyển bò đực qua nhóm khác để phối giống hoặc loại thải bò đực để tránh sự đồng huyết.
Chăm sóc nuôi dưỡng bò nuôi giết thịt:
Đối với bò giết thiết cũng nên đảm bảo nguồn dinh dưỡng trong mỗi khẩu phần ăn. Đặc biệt, bà con nên tăng cường thức ăn tinh cung cấp nhiều năng lượng như rỉ mật hoặc khoai mỳ lát trong giai đoạn 4 tháng trước khi xuất bán.

7. Chuẩn bị đầu ra thành phẩm
Đầu ra luôn là vấn đề mà bất kỳ trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nào cũng quan tâm. Việc phụ thuộc vào đơn vị thu mua, phân phối đầu ra ảnh hưởng đến lợi nhuận, tâm lý của người chăn nuôi. Vì thế, bà con cần chủ động liên hệ với hợp tác xã dịch vụ, các đơn vị chuyên chế biến các sản phẩm bò thịt để đảm bảo nguồn đầu ra được ổn định và thuận lợi.
8. Mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi bò thịt
Khi đã có kinh nghiệm chăn nuôi bò thịt, cùng với đầu ra sản phẩm ổn định, bà con nên tái đầu tư cho những đàn bò thịt tiếp theo. Có thể mở rộng thêm quy mô trang trại để tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho bà con.

Qua những chia sẻ trên, Maxi&Mina hi vọng rằng, bà con sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích khi có dự định xây dựng, thiết kế trang trại chăn nuôi bò thịt. Nếu có bất kỳ điều gì thắc mắc, bà con vui lòng liên hệ trực tiếp với chúng tôi để được tư vấn, giúp đỡ.
Xem thêm: Xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gà
Xem thêm: Giới thiệu vai trò các loại máy chế biến thức ăn trong dây chuyền